Hà Nội sắp có 3 KCN rộng 635 ha, 33.000 người có việc làm

Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp hoạt động, tổng diện tích hơn 1.300 ha. Trong đó, 9 dự án đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỷ lệ lấp đầy 100%.

Hà Nội sắp có 3 KCN rộng 635 ha, 33.000 người có việc làm- Ảnh 1.

Hình minh họa

Tại Kỳ họp chuyên đề diễn ra ngày 19/11 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 635 ha.

Khu công nghiệp Bắc Thường Tín

Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín sẽ được xây dựng trên địa bàn các xã Văn Bình, Liên Phương, Ninh Sở, huyện Thường Tín. Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 137ha.

Đây sẽ là khu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao); chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với các vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo, điện tử; phát triển công nghiệp hỗ trợ, sử dụng quy trình sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm phù hợp định hướng Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt.

Số lượng công nhân, người lao động dự kiến khoảng 7.000 người. Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội dự kiến bố trí tại ô đất ký hiệu C3-2, thuộc địa bàn xã Khánh Hà với diện tích khoảng 8ha.

Hà Nội sắp có 3 KCN rộng 635 ha, 33.000 người có việc làm- Ảnh 2.

Vị trí quy hoạch KCN Bắc Thường Tín.

Khu công nghiệp Phụng Hiệp

Khu công nghiệp Phụng Hiệp có địa điểm tại các xã Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi, Dũng Tiến, huyện Thường Tín. Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 174,8ha.

Khu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao); chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với các vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo, điện tử, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Số lượng công nhân, người lao động dự kiến khoảng 8.000 người.

Nhà lưu trú, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp bố trí trong đất thương mại, dịch vụ trong khu công nghiệp. Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội dự kiến bố trí tại các ô đất ký hiệu A3/NO1 và A3/NO2 với diện tích khoảng 8ha.

Hà Nội sắp có 3 KCN rộng 635 ha, 33.000 người có việc làm- Ảnh 3.

Dự án với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm khoảng 15%. Dự án hoạt động trong 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn

Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Tân Dân và Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Diện tích đất lập quy hoạch khoảng 323,9ha.

Khu công nghiệp xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư; hướng tới phát triển các ngành công nghiệp sạch (ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược - mỹ phẩm, dệt may…), sử dụng quy trình sản xuất, công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Số lượng công nhân, người lao động dự kiến khoảng 18.000 người (trung bình khoảng 60-80 người/ha đất công nghiệp).

UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề xuất địa điểm xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động cho Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn có diện tích khoảng 45ha vị trí tại xã Minh Trí và xã Minh Phú.

Hà Nội sắp có 3 KCN rộng 635 ha, 33.000 người có việc làm- Ảnh 4.

Phối cảnh dự án. Nguồn: DĐK

Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp hoạt động, tổng diện tích hơn 1.300 ha. Trong đó, 9 dự án đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng, có tỷ lệ lấp đầy 100%. Một dự án đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Theo Avison Young, giá thuê trung bình các khu công nghiệp thuộc địa bàn thành phố đạt hơn 220 USD (khoảng 5,5 triệu đồng) mỗi m2 cho một kỳ hạn thuê. Một số huyện có giá thuê trung bình vượt 250 USD (6,3 triệu đồng)/m2 gồm Mê Linh, Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh.

Hà Nội tập trung liên kết phát triển 3 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội. Trong đó, 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Link nội dung: https://thoibaosaigon.info/ha-noi-sap-co-3-kcn-rong-635-ha-33000-nguoi-co-viec-lam-a84408.html