Tàu ngầm đa năng tấn công nhanh (SSN) chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles, được đưa vào hoạt động năm 1976, vẫn là một trong những tài sản đáng gờm nhất của Hải quân Mỹ.
Mặc dù những "siêu thủy quái" này có khả năng đã được chứng minh, nhưng chúng vẫn không tránh khỏi hai chữ "nghỉ hưu" vì tuổi tác đã khá cao. Điều đáng nói là trong khi lớp Los Angeles đang bị loại biên dần dần, vẫn chưa có đầy đủ tàu thay thế, tạo ra những lỗ hổng an ninh tiềm ẩn cho "xứ cờ hoa".
Được gọi là lớp 688, tàu ngầm lớp Los Angeles được chế tạo bởi Xưởng đóng tàu Newport News ở Newport News, bang Virginia. Tàu ngầm đầu tiên trong lớp này, USS Los Angeles (SSN-688), đã được đưa vào hoạt động từ năm 1976. Những chiếc tàu ngầm này đã thay thế tàu ngầm tấn công hàng đầu trước đây của Mỹ, lớp Sturgeon.
Tàu ngầm lớp Los Angeles tiêu chuẩn được trang bị 4 ống phóng ngư lôi và có thể mang theo tới 25 quả ngư lôi. Việc có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk khiến những "siêu thủy quái" này trở nên đáng gờm.
Lớp Los Angeles được trang bị hệ thống sonar tiên tiến, giúp chúng phát hiện và theo dõi tàu địch hiệu quả hơn. Ngoài ra, chúng cũng có một bộ hệ thống tác chiến điện tử (EW) cực lợi hại để chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù.
Được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân duy nhất, giúp chúng có khả năng tàng hình và độ bền cao, cỗ máy chiến tranh đáng kinh ngạc này có lượng giãn nước khoảng 6.900 tấn khi lặn và có thể di chuyển với tốc độ hơn 28 dặm/giờ (tức 45 km/h – tốc độ tương đối nhanh so với một chiếc tàu ngầm). Tàu lớp Los Angeles có thể lặn xuống độ sâu hơn 900 feet (274 m).
Tàu ngầm đa năng tấn công nhanh (SSN) chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ. Ảnh: Military.com
Một tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles có chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD và khoảng 50 triệu USD mỗi năm để bảo dưỡng. Nếu so với chi phí trung bình của một tàu sân bay Mỹ – lên tới hàng chục tỷ USD để xây dựng và hàng trăm triệu USD tiền duy trì, thì những "siêu thủy quái" này vẫn là khá rẻ.
Mặc dù không có nền tảng nào trong thời đại giám sát toàn cầu khổng lồ hiện đại ngày nay là không thể phát hiện được, nhưng tàu ngầm hạt nhân là một trong những nền tảng khó theo dõi và tiêu diệt nhất trên thế giới – khó hơn nhiều so với tàu sân bay. Và những cỗ tàu ngầm vẫn cho phép Hải quân Mỹ phô trương thanh thế trong môi trường đầy rẫy A2/AD (Chống tiếp cận/Ngăn chặn xâm nhập) ngày nay.
Bất chấp những sự thật này, Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục cho nghỉ hưu đội tàu tấn công lớp Los Angeles của mình, ngay cả khi không nhất thiết phải có tàu thay thế.
Tính đến năm 2024, có 41 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles đang phục vụ trong Hải quân Mỹ. Những chiếc tàu huyền thoại này dự kiến sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình cho đến ít nhất là năm 2030, khi chúng sẽ được thay thế bằng các tàu ngầm lớp Virginia mới hơn.
Đã có nhiều cuộc thảo luận về việc phải làm gì với nhiều tàu ngầm lớp Los Angeles đang nghỉ hưu như vậy. Điều đầu tiên là đầu tư vào việc hiện đại hóa chúng, kéo dài tuổi thọ của chúng và giữ chúng tiếp tục hoạt động.
Ngoài ra, Hải quân Mỹ có thể bán một số đơn vị cũ này cho các đồng minh, chẳng hạn như Australia, để giúp tăng khả năng tương tác giữa các lực lượng hải quân và củng cố sức mạnh hải quân của các lực lượng đồng minh.
Tuy nhiên, do những hạn chế về ngân sách, sự trì trệ của bộ máy quan liêu, thiếu ý chí chính trị và những phức tạp về công nghệ, khả năng Hải quân Mỹ thay thế toàn bộ tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles bằng tàu ngầm lớp Virginia là rất thấp.
Điều này sẽ tạo ra những khoảng trống lớn trong lực lượng tàu ngầm của Mỹ, từ đó sẽ gây ra những tác động có hại đến vị thế chiến lược chung của siêu cường này trên toàn cầu.
Minh Đức (Theo National Interest)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm
Link nội dung: https://thoibaosaigon.info/tau-ngam-hat-nhan-los-angeles-sieu-thuy-quai-dang-gom-nhat-a83994.html