Quy định mới nhất về nhường đường tại nơi giao nhau, chuyển hướng xe, ai cũng cần biết để tránh bị phạt

Khi tham gia giao thông, việc nhường đường tại nơi giao nhau và chuyển hướng xe phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau, chuyển hướng xe

Điều 22 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025) quy định, khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường theo quy định.

Cụ thể, tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên với đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh với đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải.

Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên trái.

Đối với quy định chuyển hướng xe, căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định, trước khi chuyển hướng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải quan sát, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau, giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ hoặc có tín hiệu bằng tay theo hướng rẽ đối với xe thô sơ không có đèn báo hướng rẽ, chuyển dần sang làn gần nhất với hướng rẽ.

Tín hiệu báo hướng rẽ hoặc tín hiệu bằng tay phải sử dụng liên tục trong quá trình chuyển hướng. Khi bảo đảm an toàn, không gây trở ngại cho người và phương tiện khác mới được chuyển hướng.

Khi chuyển hướng xe, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường đường cho người đi bộ, xe thô sơ, xe đi ngược chiều và chỉ chuyển hướng khi không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người, phương tiện khác.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 15, người lái xe không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ, trên đường một chiều, trừ khi có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu tạm thời.

Quy định mới nhất về nhường đường tại nơi giao nhau, chuyển hướng xe, ai cũng cần biết để tránh bị phạt- Ảnh 1.

Vi phạm chuyển hướng xe, nhường đường nơi giao nhau thì tài xế có thể bị xử phạt nặng (ảnh minh họa).

Vi phạm chuyển hướng xe, nhường đường nơi giao nhau phạt bao nhiêu tiền?

Hiện nay, việc xử phạt hành chính với vi phạm chuyển hướng xe, nhường đường nơi giao nhau được thực hiện theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

Mức phạt vi phạm không nhường đường nơi giao nhau

Hiện nay, căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau thì bị xử phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm trên gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Mức xử phạt đối với xe ô tô không nhường đường khi đi qua vòng xuyến được quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau: Không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau thì có thể bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Trường hợp không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau thì có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Mức phạt vi phạm chuyển hướng xe

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP như sau:

Đối với người điều khiển xe ô tô:

- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe:

+ Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ (điểm b khoản 1 Điều 5);

+ Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ (điểm c khoản 1 Điều 5).

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) (điểm c khoản 3 Điều 5).

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với người điều khiển xe chuyển hướng không đúng quy định gây tai nạn giao thông (điểm a khoản 7 Điều 5). Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy:

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe:

+ Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ (điểm d khoản 1 Điều 6);

+ Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ (điểm d khoản 1 Điều 6).

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức) (điểm a khoản 3 Điều 6).

- Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông (điểm b khoản 7 Điều 6). Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Quy định mới nhất về sử dụng còi xe, ai cũng cần biết để tránh bị phạtQuy định mới nhất về sử dụng còi xe, ai cũng cần biết để tránh bị phạt

T.M

Link nội dung: https://thoibaosaigon.info/quy-dinh-moi-nhat-ve-nhuong-duong-tai-noi-giao-nhau-chuyen-huong-xe-ai-cung-can-biet-de-tranh-bi-phat-a83909.html