Ngày 6-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương.
Nhiều gam màu sáng
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế nước ta đã phục hồi, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp (DN) đánh giá cao. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,0%).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nếu đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh hơn, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5%. Trong 6 tháng qua, các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ duy trì đà tăng khá. Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý II tăng 8,55%, tính chung 6 tháng tăng 7,54%. Đồng thời, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 6,7%. Theo Bộ trưởng, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỉ USD, tăng 13,1%. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng... được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.
Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết GRDP của thành phố 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, cao hơn cùng kỳ. Về đầu tư công, ông Tuấn cho biết đến cuối tháng 6-2024 đạt 19,5 ngàn tỉ đồng (24%), thấp hơn tỉ lệ giải ngân trung bình của cả nước. "Thành phố đã tập trung mở rộng các nút giao thông tại các quận nội đô, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đặc biệt là dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô" - ông Tuấn cho hay. Trong 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông khung quan trọng, đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô; đưa vào vận hành khai thác đường sắt đô thị trên cao Nhổn - ga Hà Nội. Đồng thời, lập Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô, phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị theo Quyết định 519 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận số 49 ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị.
Bức tranh kinh tế - xã hội của thành phố 6 tháng đầu năm với nhiều gam màu sáng, phát biểu từ điểm cầu TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết GRDP TP HCM 6 tháng tăng 6,46%, tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ tăng 8,8%, xuất khẩu tăng 13,1%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5%, thu ngân sách đạt 55,7% so với kế hoạch. Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, những tháng đầu năm, thành phố đã tập trung triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98 của Quốc hội đang được thành phố triển khai tích cực. Bên cạnh những điểm sáng, ông Phan Văn Mãi thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế của TP HCM: thu hút đầu tư FDI giảm, tổng vốn DN đăng ký giảm và giải ngân vốn đầu tư công thấp, khi chỉ đạt 14,3%.
Về nhiệm vụ, phương hướng 6 tháng cuối năm, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh TP HCM sẽ tập trung cao độ cho các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ động lực đầu tư và tiêu dùng, phấn đấu đạt tăng trưởng từ 7% - 7,5%. Thành phố sẽ gắn cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính với tháo gỡ vướng mắc - khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; khẩn trương chuẩn bị phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Bộ Chính trị, đến cuối năm trình Quốc hội nhằm có nghị quyết về đường sắt đô thị, nghị quyết về đường Vành đai 4 và nghị quyết về trung tâm tài chính quốc tế.
Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện, ban hành các nghị định và giúp các địa phương tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; Thủ tướng sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài; dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp sớm có ý kiến để hoàn thiện pháp lý cho gói vay số 4 dự án metro 1.
Thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian tới, trong chỉ đạo điều hành, cần lưu ý quý III, quý IV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm, từ đó phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024. Theo Thủ tướng, mục tiêu là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5% - 7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV. Lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng nêu trên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ, chip bán dẫn, AI... Theo Thủ tướng, cần thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Thủ tướng lưu ý đến các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, GTGT cao và các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 95% trong năm nay. Đối với 29,9 ngàn tỉ đồng đến nay chưa phân bổ, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết điều chuyển. Trong đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung tháo điểm nghẽn giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm. Cùng với đó, tổ chức tốt chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án để có hệ thống đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và 80 năm Quốc khánh (2-9).
Lúng túng trong thực hiện mua bán điện trực tiếp
Tại cuộc họp báo Chính phủ vào chiều cùng ngày, trả lời báo chí về việc triển khai Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (MBĐTT) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết cơ chế MBĐTT này là cơ chế còn khá mới, được thực hiện thông qua 2 phương thức: MBĐTT thông qua đường dây riêng (PT1), không kết nối với lưới điện quốc gia; MBĐTT có kết nối với lưới điện quốc gia (PT2).
Theo Thứ trưởng, quá trình triển khai Nghị định này sẽ có khó khăn khi thực hiện theo PT1, hai bên tham gia cơ chế là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn sẽ tự thảo luận hợp đồng. "Có thể sẽ xuất hiện sự lúng túng trong thực hiện, đặc biệt đối với bên vận hành điện lực, chưa biết trên cơ sở nào để đàm phán" - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nói. Với PT2, ông Tân nhấn mạnh phải bảo đảm an toàn trong vận hành hệ thống điện. Có thể nhu cầu của khách hàng và năng lực cung ứng chưa thể gặp nhau ở một số điểm. Nhấn mạnh đây là cơ chế mới, Thứ trưởng Bộ Công Thương lo ngại bản thân các đơn vị phát điện, đơn vị điện lực và đặc biệt là đơn vị vận hành (các trung tâm điều độ hệ thống điện) sẽ phải sử dụng các quy trình riêng để thực hiện việc này.
Cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng
Tại phiên họp, Bộ KH-ĐT đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024. Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, mức cao nhất trong mục tiêu Quốc hội đề ra. Với kịch bản này, tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6%. Kịch bản thứ 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó, GDP quý III tăng 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản hồi tháng 4 lần lượt 0,7% và 0,6%. Bộ KH-ĐT kiến nghị kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5% - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. Nhưng để đạt tăng trưởng cao nhất, Bộ KH-ĐT cho rằng điều kiện là các luật, nghị quyết, văn bản hướng dẫn cần sớm được áp dụng, gồm các luật: Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1-8.