Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm sắp tới tổ chức chiều 9/7, nhiều vấn đề 'nóng' được phóng viên quan tâm như tình trạng các dự án du lịch ven biển chậm tiến độ, bỏ hoang ; vấn đề sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập đơn vị hành chính; việc khôi phục phần vốn nhà nước tại Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam…
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 2,7%; sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi nổi, khách quốc tế tăng mạnh và sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ, tăng trưởng toàn diện.
Thu, chi NSNN bảo đảm theo dự toán (tổng thu NSNN 6 tháng là 12.221 tỷ đồng, đạt 51,8%); giá trị xuất nhập khẩu duy trì mức tăng khá, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đều tăng mạnh về số dự án và vốn đăng ký.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế, như kinh tế chưa thật sự phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp; một số nguồn thu đạt thấp; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc ;...
Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới; Tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm đúng tiến độ; khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương.
Tại cuộc họp báo, PV Tiền phong đặt câu hỏi về nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ thực trạng đìu hiu tại các dự án du lịch nghìn tỷ ven biển Quảng Nam.
Ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tổng số dự án du lịch ven biển trên địa bàn là 58 dự án, đã thu hồi 5 dự án chỉ còn 53 dự án có hiệu lực tiếp tục triển khai.
Trong 53 dự án có 25 dự án đã đi vào hoạt động, đóng góp vào ngân sách tỉnh. Các dự án còn lại đang triển khai, trong đó một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Hưng, có 3 nhóm vướng mắc nhà đầu tư đang gặp phải, đó là ký quỹ bảo đảm doanh nghiệp theo quy định; do điều chỉnh quy hoạch chung; khó khăn về nguồn vốn.
Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn về ký quỹ bảo đảm doanh nghiệp theo quy định. Với dự án thương mại, dịch vụ quy mô khoảng 3 – 4 nghìn tỷ đồng thì số tiền ký quỹ rất lớn. Với vai trò của mình, Sở tham mưu, đề nghị doanh nghiệp cam kết khi được cấp chứng nhận quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong thời gian nhất định nếu không ký bảo lãnh thì sẽ bị thu hồi.
Đối với nhóm dự án khó khăn do bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thì đề nghị rà soát lại, khu vực không thực hiện bồi thường được thì điều chỉnh, giao phần không thể bồi thường được cho địa phương quản lý để đảm bảo thi công kết nối với hạ tầng khu vực. Đối với những dự án có khả năng bồi thường yêu cầu đơn vị địa phương tiếp tục triển khai.
“Toàn bộ các giải pháp tháo gỡ được đưa ra nhưng nếu nhà đầu tư không có khả năng thực hiện do vướng bồi thường không làm được, không có tài chính để làm thì kiên quyết thu hồi”, ông Hưng nói.