Bảo hiểm Prudential cố tình gây khó dễ cho khách hàng?

Loại quả "mở mắt" được dân phố săn tìm, nông dân bỏ túi nửa tỷ đồng/ha

Admin
Những năm gần đây, na bở được nhiều người ưa chuộng. Loại trái cây này còn được ví như đặc sản hiếm có, được rao bán lên tới 250.000 đồng/kg.

Vài năm trở lại đây, na bở trở thành hàng hiếm được nhiều người tìm kiếm, giá cao gấp 4-5 lần so với na dai.

Chia sẻ với VietNamNet, chị Phạm An Nhiên ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết chị vừa mua na bở size Vip với giá 250.000 đồng/kg. Chị mua 3 hộp tổng 27 quả hết gần 2,3 triệu đồng, cửa hàng miễn phí ship.

Theo chị Nhiên, na bở chín thơm, ăn mềm với vị ngọt thanh mát cảm giác tan chảy trong miệng. Tuy nhiên, loại na này khá khó mua, đặc biệt là hàng Vip.

"Ở các cửa hàng trái cây cao cấp, na dai Vip giá cũng chỉ 70.000-80.000 đồng/kg lúc nào cũng có sẵn. Còn na bở hàng Vip giá lên tới 250.000 đồng/kg, muốn mua đều phải đặt hàng trước", chị nói. Dịp này, cần mua làm quà nên chị phải đặt trước 2 ngày, giá thì đợi hàng về người bán mới chốt vì lên xuống theo ngày.

Loại quả "mở mắt" được dân phố săn tìm, nông dân bỏ túi nửa tỷ đồng/ha- Ảnh 1.

Na bở là loại trái cây đang được thực khách săn lùng, giá cả đắt đỏ. Ảnh: báo Người Lao Động.

Chị Minh Thu, tiểu thương chuyên phân phối na bở (quận Cầu Giấy), thì cho biết giá 1 kg dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/kg. 1 kg khoảng 3 trái. Mỗi ngày, chị bán ra thị trường 20-50 kg. Đây mới là con số đầu mùa do sản lượng nhà vườn cấp ra còn thấp, chứ nhu cầu với loại trái cây này rất lớn.

Vào vụ na bở, chị Thu tính tìm thêm 2 nhân viên thời vụ để nhận đơn và ship cho khách hàng. "Mỗi năm vào vụ, cửa hàng của tôi thường đi khoảng vài trăm kg mỗi ngày", chị Thu nói với báo Người Lao Động.

Chị Đặng Thị Vân, đầu mối chuyên bán na bở ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, chị bán loại na này đã được 5 năm nay. Năm nào vào mùa chị cũng bao mua cả vườn na bở của một hộ nông dân ở Đông Triều rộng gần 2ha.

Hàng ngày, trên đồi na bở "mở mắt" tới đâu nông dân hái gửi xuống cho chị bán tới đó. Thế nên, hàng giao cho khách quả na vẫn cứng, để 1-2 ngày sẽ chín thơm tự nhiên.

Thời điểm này mới vào đầu vụ nên quả na già "mở mắt" chưa nhiều, giá cũng tương đối đắt đỏ. Chị dẫn chứng, loại 5-6 quả/kg chị đang bán với giá 125.000 đồng/kg, loại 3-4 quả/kg có giá 200.000 đồng/kg. Khách yêu cầu hàng tuyển chỉ 3 quả/kg lại đóng hộp thì giá lên tới 250.000 đồng/kg, bởi loại này rất hiếm.

So với mặt bằng chung tại chợ, giá na bở đắt gấp 3 lần na dai. Nhiều khách còn nói na bở đắt hơn cả "vua trái cây" sầu riêng. Song, chị Vân cho hay, các vườn trồng na bở không nhiều, mùa thu hoạch lại khá ngắn nên giá thường đắt đỏ.

"Tôi bán na bở đã nhiều năm, đa phần bán cho khách quen. Bởi, nhiều người thích ăn na vị ngọt thanh, mềm tan chảy trong miệng chứ không thích vị ngọt sắc", chị nói. Thế nên, có những khách từ đầu mùa đến cuối mùa đặt mua tới vài chục cân để gia đình ăn và đem biếu tặng.

Song, dịp này muốn đặt na bở hàng Vip thường phải đặt trước vì mỗi ngày chị chỉ về được 40-50kg. Còn loại na cỡ quả phổ thông thì hàng đa phần có sẵn, mỗi ngày về khoảng trên dưới 1 tạ, chị cho hay.

Thực tế gần chục năm trở lại đây, na bở trở thành hàng hot trên thị trường, được nhiều người săn mua nên giá luôn rất đắt đỏ.

Trên thị trường hiện nay, na bở được các cửa hàng rao bán chủ yếu có nguồn gốc từ Đồng Bành (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn); na Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng), na bở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh)…

Trao đổi với báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh - dịch vụ nông nghiệp Liên Khê (Hải Phòng), cho biết đơn vị này đã nhận được lời đề nghị mua hàng của rất nhiều thương lái, chủ cửa hàng trái cây.

Bánh trung thu rục rịch xuống phố, tiểu thương ngóng khách mua

Tuy nhiên, do mới đầu mùa, sản lượng ít nên hợp tác xã chỉ dám nhận của một số khách quen. Hiện, giá na bở bán tại vườn dao động từ 145 - 150 ngàn đồng/kg, cao hơn 10% so với năm ngoái.

"Nhiều khách hàng hỏi mua lắm nhưng chúng tôi chỉ cung cấp được số lượng ít. Hợp tác xã hiện có 30 ha na bở theo tiêu chuẩn VietGAP, bình quân sản lượng từ 6-7 tấn/ha, đem về lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí là gần 500 triệu đồng/ha", ông Hùng nói.

Na bở Liên Khê được ông Hùng giới thiệu quả to, mẫu mã đẹp, chín có mắt hồng, căng bóng, thịt trắng, thơm, khi ăn có vị ngọt thanh mát, không sạn và có giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy, khách hàng đã ăn là sẽ tới tìm mua thêm.

Đặc biệt, na bở Liên Khê được trồng theo quy trình VietGAP nên mỗi sản phẩm ra thị trường đều đảm bảo về mặt chất lượng, có mã QR để trích xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất rõ ràng để người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm lựa chọn.

Theo UBND xã Liên Khê, cây na bở được địa phương đặt làm cây kinh tế chủ lực để thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp. Liên Khê tiếp tục được định hướng mở rộng diện tích phấn đấu lên 100 ha.

Cùng với đó, địa phương chủ động tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong việc bảo hộ và phát triển thương hiệu tập thể, tiếp cận sâu vào thị trường qua hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hình ảnh, thương hiệu Na bở Liên Khê lên các sàn thương mại điện tử, tiếp tục mở ra cơ hội mới nhiều triển vọng cho na bở Liên Khê trên thị trường trong và ngoài nước.

Minh Hoa (t/h)