Mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, đến năm 2030, Tp.HCM giữ các đơn vị hành chính như hiện nay và 5 huyện (Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi) sẽ đạt đô thị loại 3 thay vì lên quận hay thành phố như đề xuất trước đó.
Đầu tháng 7/2024, Bình Chánh tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 17, khóa XII, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng). Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tp.HCM yêu cầu huyện Bình Chánh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để góp phần thu hút đầu tư, phát triển đô thị; quan tâm, tạo điều kiện để người lao động nhập cư đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của huyện...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của huyện Bình Chánh đạt khoảng 30% là cao hơn so với tỷ lệ chung của Tp.HCM trong 6 tháng đầu năm 2024 và đề nghị thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm làm tốt công tác này để đạt mục tiêu cả năm.
Ông Cường cho rằng, trên địa bàn huyện Bình Chánh có nhiều dự án lớn đi qua như đường Vành đai 3, dự án mở rộng Quốc lộ 50, dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên... Do vậy, huyện tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án có sử dụng đất trên địa bàn huyện để đẩy nhanh tiến độ.
Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam cũng cam kết, thời gian tới, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó các dự án trọng điểm qua địa bàn huyện phải làm xong công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng thi công
Như vậy, sắp tới xây dựng Bình Chánh lên đô thị loại 3 thì việc đầu tư hạ tầng giao thông là mục tiêu quan trọng của địa phương này.
Được biết, thời gian qua, Bình Chánh đã có sự “chuyển mình” nhờ loạt công trình giao thông trọng điểm được triển khai, từ đó tác động đến diện mạo đô thị và thị trường bất động sản khu vực.
Hạ tầng giao thông nổi bật tại khu vực này phải kể đến dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 . Đây là dự án trọng điểm, cấp bách của Tp.HCM, có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tiếp giáp ranh tỉnh Long An. Tổng chiều dài toàn tuyến 6,92 km, mặt cắt ngang 34 m, tương đương sáu làn xe.
Dự án nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tăng cường năng lực khai thác tuyến Quốc lộ 50, liên kết Tp.HCM với Long An và các tỉnh miền Tây; kết nối khu vực cửa ngõ phía Nam Tp.HCM với cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 trong thời gian tới. Đoạn qua huyện Bình Chánh đã khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành tháng 12/2024. Dự án có tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp 1.250 tỷ đồng.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đang khẩn trương đôn đốc thi công nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành, thông tuyến đoạn song hành Quốc lộ 50 (từ đường Nguyễn Văn Linh đến Km4+200) trong năm 2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025. Tuy nhiên, chủ đầu tư cho biết trên đoạn tuyến xây dựng mới từ đường Nguyễn Văn Linh đến điểm giao với Quốc lộ 50 hiện hữu (phạm vi các gói thầu xây lắp 1, 2, 3, 4) hiện còn có một số vị trí chưa được bàn giao mặt bằng, dẫn tới nguy cơ không đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Cùng với đó, dự án thành phần 1 đường vành đai 3 đã khởi công ngày 18/6, đến nay vẫn đảm bảo tiến độ triển khai thi công. Đường Vành đai 3 đoạn đi qua huyện Bình Chánh có tổng chiều dài khoảng 15 km. Tuyến đường này đi qua ba xã chính là Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân và Bình Lợi. Đoạn này có tổng mức đầu tư 2.258 tỷ đồng, với thời gian thực hiện là 33 tháng. Dự kiến thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Toàn tuyến Vành đai 3 Tp.HCM có tổng chiều dài khoảng 47,5 km và đi qua 4 khu vực chính của thành phố, bao gồm Tp.Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn. Đây là một tuyến đường quan trọng trong hệ thống giao thông của thành phố, nhằm tạo sự kết nối và giảm tắc nghẽn giao thông trong các khu vực.
Sau khi hoàn thành, tuyến sẽ mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics… Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển vùng trọng điểm phía Nam. Từ đó tác động tích cực đến diện mạo thị trường bất động sản khu vực.
Ngoài ra, dự án Vành đai 2 Tp.HCM đoạn qua Bình Chánh đã hiện hữu giúp giảm ùn tắc giao thông, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc. Tuyến vành đai này bắt đầu từ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (Tp.Thủ Đức), điểm cuối ra quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường bao quanh Tp.HCM. Tuy nhiên đến nay, toàn tuyến chỉ có 50km được hoàn thành, 14km còn lại vẫn là những đoạn được xây dựng dang dở hoặc chưa được triển khai.
Theo ghi nhận, những biến động về hạ tầng đã và đang tác động đến bộ mặt đô thị, đồng thời tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản Bình Chánh.
Những năm gần đây, nhiều các doanh nghiệp lớn về Bình Chánh tìm kiếm những quỹ đất mới để xây dựng các khu đô thị quy mô, khu chế xuất công nghiệp thu hút nguồn lao động dồi dào. Chẳng hạn tại trục đường Nguyễn Văn Linh có dự án KĐT Mizuki Park quy mô 26ha của Nam Long và hai đối tác Nhật là Hankyu Hanshin Properties, Nishi Nippon Railroad. Đây là dự án nổi bật của Bình Chánh, không chỉ kết nối thuận tiện đến các quận huyện lân cận, về trung tâm thành phố quận 1, quận 3, quận 2 (Tp.HCM) mà còn kết nối về các tỉnh miền tây qua cao tốc Sài Gòn – Trung Lương. Hiện dự án có 3.600 gia đình đã dọn về ở, hình thành cộng đồng cư dân gắn kết. Doanh nghiệp này đang chào bán quỹ căn hộ hoàn thiện Flora Panorama cuối cùng tại KĐT kèm chính sách bán hàng hấp dẫn, nhiều ưu đãi nhằm đón sóng sức cầu từ nay đến cuối năm.
Những hoạt động của doanh nghiệp đã tạo nên làn sóng dịch chuyển nhu cầu mua nhà từ trung tâm ra ven ô. Mặc dù thị trường bất động sản nơi đây không sôi nổi như khu Đông hay khu Tây Tp.HCM, nhưng một số khu đô thị hiện hữu đã có tỉ lệ lấp đầy tích cực. Dẫu vậy, nguồn cung bất động sản nơi đây so với các khu vực khác còn khá khiêm tốn.