Bất động sản

Nhiều dự án bỏ hoang, đại biểu Quốc hội băn khoăn khi mở rộng đất làm nhà ở thương mại

Admin

Ngày 21-11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại qua thỏa thuận.

Theo Luật Nhà ở 2014, từ 1-7-2015, nhà đầu tư chỉ được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở. Chính phủ cho rằng cơ chế này làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, chưa có đất ở.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh phát biểu tại hội trường sáng nay 21-11. Ảnh: Hồ Long

Bởi thực tế hạn mức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân tối đa là 400 m2, còn lại là đất nông nghiệp trong cùng thửa. Do đó, nhà đầu tư không thể thực hiện chuyển quyền sử dụng đất trong khu dân cư để làm dự án nhà ở thương mại. Cùng với đó, nhiều dự án bất động sản đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở và gồm nhiều loại khác nhau như đất giao thông, cây xanh.

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, Chính phủ đề xuất cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại, thực hiện thí điểm trong 5 năm.

Theo đó, các dự án thực hiện tại khu vực đô thị, không thuộc công trình phải thu hồi sẽ được lựa chọn thí điểm. Các dự án này cần có tối đa 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất) theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai của quy hoạch tỉnh đến 2030.

Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh đất đai là tài nguyên vô giá, "tấc đất tấc vàng", trong khi đó tại nhiều đô thị ở các tỉnh, thành phố, nhiều dự án nhà ở thương mại được xây dựng xong nhưng bỏ hoang, không có người ở.

Từ thực trạng này, đại biểu Khánh đặt vấn đề việc mở rộng thí điểm sử dụng đất cho dự án nhà ở thương mại có hợp lý hay không, khi tình trạng bỏ hoang vẫn diễn ra. Trong khi đó, nhu cầu thực tế là nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp cần được quan tâm hơn.

"Nhu cầu thực là nhà ở xã hội, tại sao chúng ta không dành quỹ đất, không ban hành các Nghị quyết để phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nguyện vọng của người thu nhập thấp, công nhân, những đối tượng không đủ tiền để mua nhà ở thương mại"- ông Khánh nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh, ở một số địa phương, người thu nhập thấp, công nhân bốc thăm. "5 lần 7 lượt" với mong muốn mua căn nhà ở xã hội dưới 50 m2, nhưng chưa được, do nguồn cung hạn chế. Trong khi đó ở nhiều đô thị, nhà ở thương mại xây xong không có người ở.

"Dự án bỏ hoang, mua bán chỉ có trên giấy tờ để kiếm lời, không có người ở"- ông Khánh nêu thực trạng và cho rằng với các dự án bỏ hoang như vậy, thì việc mở rộng thí điểm có phù hợp hay không. Do đó, ông đề nghị Quốc hội, cơ quan soạn thảo cân nhắc các vấn đề nêu trên.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn TP Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn khi thí điểm Nghị quyết, liệu có tạo ra một mặt bằng giá đất mới hay không. "Với một quyết định hành chính, cho phép thỏa thuận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại, giá đất có thể từ 500 ngàn đồng lên 20 triệu đồng/m2, lợi ích này ai đạt được?"- ông Ấn đặt vấn đề.

Vị đại biểu cũng lo ngại cùng một khu vực, khu đất nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án của Nhà nước thì có giá đền bù, thu hồi khác, sẽ thấp hơn so với giá mà doanh nghiệp thỏa thuận để làm dự án bất động sản, dù hai lô đất có thể gần nhau. "Khi đó, người dân sẽ so sánh, nảy sinh tranh chấp"- đại biểu Phạm Đức Ấn nêu rõ.