Kinh tế

3 quyền lợi của người lao động đóng BHXH dưới 20 năm

Admin

Đóng BHXH dưới 20 năm người lao động sẽ được hưởng nhiều quyền lợi.

Dưới đây là 3 quyền lợi của người lao động đóng BHXH chưa đủ 20 năm:

1. Được rút BHXH 1 lần

Căn cứ khoản 1 Điều 60 và khoản 1 Điều 77 Luật BHXH 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13, người lao động đóng BHXH dưới 20 năm được rút BHXH 1 lần trong các trường hợp sau:

(i) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định

(ii) Ra nước ngoài để định cư.

(iii) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

(iv) Người lao động là sĩ quan, hạ sĩ quan,...khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

(v) Sau 01 năm nghỉ việc hoặc sau 01 năm không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Đóng BHXH dưới 20 năm người lao động sẽ được hưởng nhiều quyền lợi

Theo đó, người lao động đóng BHXH không đủ 20 năm sẽ được rút BHXH 1 lần khi thuộc một trong các trường hợp trên.

Lưu ý: Đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày 1-7-2025, sau 1 năm nghỉ việc không đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện sẽ không còn được rút BHXH 1 lần nữa.

2. Được hưởng lương hưu trong trường hợp đặc biệt

Căn cứ khoản 3 Điều 54 Luật BHXH 2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019), lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BNHXH khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu quy định thì được hưởng lương hưu.

Theo đó, lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng.

3. Thân nhân người lao động được hưởng chế độ tử tuất

Người lao động đóng BHXH dưới 20 năm, thân nhân người lao động sẽ được hưởng chế độ tử tuất như sau:

(i) Trợ cấp mai táng

Người lao động có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng khi người lao động qua đời.

Mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết.

Hiện nay mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).

(Điều 66 Luật BHXH 2014)

(ii) Trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần

Thân nhân của người lao động đóng BHXH bắt buộc được hưởng trợ cấp tuất 1 lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng. Còn thân nhân của người lao động đóng BHXH tự nguyện chỉ được nhận trợ cấp tuất 1 lần. Cụ thể như sau:

Đóng BHXH dưới 20 năm, thân nhân người lao động cũng được hưởng chế độ tử tuất

Trợ cấp tuất hằng tháng

Người lao động đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa rút BHXH 1 lần khi chết nhân thân sẽ được nhận trợ cấp tuất hằng tháng.

Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở.

Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Hiện nay mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng (khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).

(Khoản 1 Điều 67 và khoản 1 Điều 68 Luật BHXH 2014)

Trợ cấp thuất một lần

Mức hưởng trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm tính bằng (1,5 lần mức lương bình quân đóng BHXH trước 2014) + (2 lần mức lương bình quân đóng BHXH sau 2014).

Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

(Điều 70 Luật BHXH 2014)

Lưu ý: Trường hợp người lao động đóng BHXH dưới 20 năm đã rút BHXH 1 lần rồi thì khi qua đời, thân nhân không được hưởng chế độ tử tuất.

Tóm lại, người lao động đóng BHXH dưới 20 năm (đóng BHXH không đủ 20 năm) sẽ có các quyền lợi sau: được rút BHXH 1 lần; thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi người lao động qua đời nếu chưa rút BHXH 1 lần; lao động nữ là cán bộ, công chức cấp xã hoặc là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn vẫn được hưởng lương hưu hàng tháng.